Nguyên nhân Sư tử tấn công người

Bản tính hung dữ

Một đàn sư tử do một con đực đứng đầu tại Masai Mara, Kenya.Một con sư tử đực đã già đang sống đơn độc ở Benin. Đây là những cá thể sư tử có xu hướng trở thành những con thú chuyên đi săn người vì sức khỏe đã yếu.

Hành vi tấn công người phần lớn đến từ tập tính của sư tử. Chúng là loài thú dữ có tập tính lãnh thổ rất cao, cùng với bản tính hung hãn, hiếu chiến sẵn có do phải thường xuyên chiến đấu với những loài thú ăn thịt cạnh tranh như linh cẩu đốm, chó hoang châu Phi hay những con sư tử khác để bảo vệ bầy đàn. Không như những loài họ mèo sống đơn lẻ, sư tử thường xuyên gầm rống để khẳng định sự hiện diện của mình, đồng thời đe dọa và xua đuổi những con sư tử đơn lẻ nào có ý định chiếm đàn. Nếu con người hay bất kỳ một sinh vật nào vô tình bước chân vào lãnh địa của một đàn sư tử, thì chúng sẽ lập tức giết chết kẻ xâm nhập để bảo vệ lãnh thổ của mình. Sư tử sống trong điều kiện nuôi nhốt từ nhỏ có thể hiền lành hơn đồng loại tự nhiên, nhưng không hề mất đi bản năng hoang dã và hung dữ, và đã có những sự cố sư tử nuôi tấn công bộc phát và thậm chí giết chết người trong các vườn thú.

Vào những lúc đói mồi, sư tử có thể trở thành một kẻ ăn thịt người cơ hội, chúng tấn công và ăn thịt những người xâm nhập vào lãnh thổ của mình như một con mồi. Một trường hợp ghi nhận một đàn sư tử đã phục kích và ăn thịt ba thợ săn trộm tê giác năm 2018 tại Nam Phi,[1] và một vụ khác diễn ra năm 2021 khi hai con sư tử đực ăn thịt một chuyên gia theo dõi động vật hoang dã tại vườn quốc gia Marakele.[2] Ngoài ra, theo Robert R. Frump, những người tị nạn từ Mozambique băng qua Vườn quốc gia Kruger ở Nam Phi vào ban đêm thường xuyên bị sư tử tấn công và ăn thịt. Các quản lý vườn quốc gia đã nói rằng sư tử ăn thịt người là một vấn đề lớn ở đó. Frump cho biết hàng ngàn người có thể đã bị sư tử tấn công trong nhiều thập kỷ sau khi chế độ apartheid niêm phong vườn quốc gia và buộc người tị nạn phải băng qua nơi nằy vào ban đêm. Trong gần một thế kỷ trước khi biên giới bị niêm phong, người Mozambique thường xuyên đi qua vườn quốc gia Kruger vào ban ngày với rất ít những mối nguy hại từ thú dữ.[3]

Khác với đồng loại ở châu Phi, sư tử châu Á rất hiếm khi xung đột với con người do phạm vi phân bố hẹp của chúng (chỉ giới hạn trong vườn quốc gia Gir và vùng xung quanh ở bang Gujarat, Ấn Độ).[4][5] Tổng cộng có 190 cuộc tấn công của sư tử châu Á vào con người đã được ghi nhận từ năm 2007 đến năm 2016 trong rừng Gir trong đó chỉ có một tỷ lệ nhỏ dẫn đến tử vong ở người. Con số này kém xa so với các cuộc tấn công con người của voi, hổ hay báo hoa mai. Các cuộc tấn công vào con người của sư tử châu Á đã được quan sát thấy tăng lên trong những năm hạn hán khắc nghiệt khiến cho các quần thể vật nuôi lớn xâm nhập và chăn thả trong khu bảo tồn, dẫn đến xâm phạm vào môi trường sống của chúng. Dữ liệu từ những con sư tử châu Á được thu thập từ xa cho thấy rằng chúng hầu hết không thù địch với con người (một trong 10,000 cuộc chạm trán mới được chuyển thành một cuộc tấn công). Tấn công chủ yếu là tình cờ: sư tử châu Á hiếm khi rình rập hoặc nhắm vào con người làm con mồi, nhưng thường tấn công để tự vệ hoặc khi đang hoảng loạn.[6] Kể từ giữa những năm 1990, số sư tử châu Á đã tăng lên đến mức vào năm 2015, khoảng một phần ba sinh sống bên ngoài khu vực được bảo vệ. Do đó, xung đột giữa người dân địa phương và động vật hoang dã cũng tăng lên.[7] Vào tháng 7 năm 2012, một con sư tử đã kéo một người đàn ông từ hiên nhà của anh ta và giết chết anh ta ở khoảng cách 50–60 km (31-37 dặm) từ rừng Gir. Đây là cuộc tấn công thứ hai của một con sư tử ở khu vực này, sáu tháng sau khi một người đàn ông 25 tuổi bị tấn công và giết chết ở Dhodadar.[8]

Khan hiếm thức ăn

Một biển cảnh báo về mối nguy hiểm của sư tử ở vườn quốc gia Addo

Vào một số thời điểm, cả đàn sư tử sẽ chủ động đột nhập vào những ngôi làng gần rừng cả ngày lẫn đêm để săn con người. Sự bạo dạn này làm cho sư tử trở thành kẻ ăn thịt người dễ dàng hơn hổ. Tuy nhiên, chúng chỉ làm như vậy khi khan hiếm thức ăn tự nhiên, vì con người không phải là con mồi hạp khẩu vị của sư tử. Con mồi chính của sư tử thường là những loài động vật có vú có kích thước từ trung bình đến lớn như ngựa vằn, lợn nanh sừng, linh dương, linh dương Gazelle, linh dương đầu bò, trâu rừng; đôi khi săn cả hà mã, hươu cao cổ và những con voi châu Phi chưa trưởng thành. Tuy nhiên, khi không có sự hiện diện của những con mồi trên, các loài gia súc hay thậm chí cả người sẽ có nguy cơ trở thành những lựa chọn tiềm năng trong chế độ ăn của sư tử.[9]

Những nghiên cứu và kết luận về vấn đề sư tử ăn thịt người đã được kiểm tra một cách có hệ thống. Các nhà khoa học Mỹ và Tanzania báo cáo rằng hành vi ăn thịt người của sư tử ở các vùng nông thôn của Tanzania đã tăng lên rất nhiều từ năm 1990 đến năm 2005. Ít nhất 563 dân làng đã bị tấn công và nhiều người bị sư tử ăn thịt trong giai đoạn này - một con số vượt xa các cuộc tấn công của sư tử Tsavo trước đó. Vụ việc xảy ra gần vườn quốc gia Selous ở quận Rufiji và tỉnh Lindi gần biên giới Mozambique. Trong khi việc mở rộng địa bàn các ngôi làng vào các vùng hoang dã là một mối quan tâm, các tác giả cho rằng chính sách bảo tồn phải giảm thiểu nguy hiểm vì trong trường hợp này, bảo tồn sư tử góp phần trực tiếp vào cái chết của con người. Các trường hợp ở Lindi mô tả những con sư tử săn lùng và ăn thịt người từ trung tâm của những ngôi làng lớn đã được ghi nhận.[10] Một nghiên cứu khác về 1.000 người bị sư tử tấn công ở miền nam Tanzania trong khoảng thời gian từ 1988 đến 2009 cho thấy những tuần sau trăng tròn, khi có ít ánh trăng, là một dấu hiệu cảnh báo mạnh mẽ về các cuộc tấn công vào ban đêm của sư tử sẽ gia tăng đối với những ngôi làng gần đó.[11] Theo một thống kê cụ thể, trung bình có khoảng 250 người bị sư tử giết chết mỗi năm.

Bị thương tật, già nua

Sư tử cũng có thể trở thành kẻ ăn thịt người vì những lý do tương tự như hổ: già nua, tàn phế và bệnh tật, mặc dù một số cá thể ăn thịt người được báo cáo là vẫn có sức khỏe tốt. Mặc dù những con sư tử khỏe mạnh đang đói mồi vẫn có thể tấn công những người đi lại trong lãnh thổ của nó, nhưng đa số những cá thể tấn công người thường là những con đực già nua, bị thương tật, chỉ sống nhờ gặm nhấm, côn trùng, không thể săn những con mồi ưa thích của chúng. Những cá thể này sống đơn độc do đã bị trục xuất khỏi bầy đàn bởi những con sư tử trẻ và khỏe mạnh hơn, cùng với khả năng săn mồi không tốt như sư tử cái, dẫn đến việc phải chuyển sang đối tượng dễ tấn công hơn là người.[12]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sư tử tấn công người http://www.dnaindia.com/india/report-man-eater-lio... http://books.google.com/books?id=PjfVFGM4p6wC&pg=P... http://books.google.com/books?id=szBm5kPeC-cC&pg=P... //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16107828 //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21799812 //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3140494 http://www.man-eater.info/gpage6.html //doi.org/10.1038%2F436927a //doi.org/10.1371%2Fjournal.pone.0022285 //doi.org/10.1644%2F1545-1542(2003)084%3C0190:TBAD...